03/08/2012 09:48:58 AMSách dịch hay: Hoàng tử bé
(Lượt xem: 3562)Cái giấc mơ của con người u hoài lãng đãng đã mất đi qua đôi nanh độc của con rắn thâm hiểm trầm ngâm nọ, đã dụ dỗ chàng quay về với đóa hồng xa thẳm của chàng… bỏ lại chúng ta trên thế gian sa mạc hoang vắng này.
2
3
4
5
Tựa sách: Hoàng tử bé
Tác giả: Saint
Exupery
Dịch giả: Bùi
Giáng
Hoàng tử bé hay Mộng đời
bất tuyệt…
Khoảng năm 20 tuổi
tôi đọc lần đầu quyển Hoàng tử
bé, bản dịch của Bùi Giáng, nhà An Tiêm in. Sách in khổ lớn, giấy trắng
tinh. Bìa in màu tấm tranh màu nước của Saint Exupery vẽ Hoàng tử bé rất đẹp.
Thú thật là khi ấy tôi thấy chuyện chẳng có gì hay cả. Bìa sách trình bày đẹp
như một cuốn truyện tranh dành cho trẻ em, trang đầu tác giả đề tặng bạn mình rồi
lại ngại vì mình tặng cho “một người lớn” nên xin lỗi “các bé” và ghi lại là “Tặng
Léon Werth thuở ông ta còn là bé con”. Những điều đó làm tôi… lạc hướng nên đã
đọc như đọc một chuyện cổ tích cho trẻ em. Và kết quả là… chả thấy gì hay cả. Dạo
đó tôi đã đọc “Anh em nhà Karamazov” của
Dostoievsky và rất mê. Dostoievsky mà Nguyễn Hiến Lê, một học giả rất sành văn
chương còn kêu rằng “tối tăm, khó hiểu”. Nói vậy để thấy khả năng đọc văn của
tôi lúc ấy cũng… đâu đến nỗi. Vậy mà lại thất bại! Quyển sách ấy sau bị mất đi
một cách đáng tiếc và ít năm sau tôi mua lại lần hai, lần này sách in khổ nhỏ
hơn, giấy bristol dày, bìa trắng đôi đơn giản, với khung sọc đỏ, chữ in cực kỳ
sắc nét. Thêm một băng giấy đỏ với chữ “Nobel” màu trắng vắt ngang. Một vẻ sang
trọng cao quý. Những bức tranh của tác giả được in trắng đen, một số bức in màu
trên giấy rời rồi mới đính vào sách, như kiểu trình bày trong những cuốn sách
tranh của nhà SKIRA giới thiệu các kiệt tác hội họa, thế giới, tạo một vẻ quý
phái khác vời.
Lần này tôi đọc
lại và bắt đầu… thấm. Đó là năm 1973 thì phải. Lại mấy năm sau, ở một tỉnh lẻ,
nói chuyện với anh bạn cùng phòng, mới biết rằng anh cũng… chưa hiểu Hoàng tử bé dù anh cũng là người sành văn. Giống
như tôi trước đây. Tôi tự nhủ rằng có lẽ lúc nào mình phải viết lại những cảm
nghĩ của mình, để may ra nhiều bạn khác cũng sẽ… đồng cảm… Vậy mà thấm thoắt 30
năm…
Chuyện mở vào lời
kể của tác giả về một bức tranh của mình vẽ khi còn bé. Bức tranh số 1 vẽ một
con trăn đã nuốt trọn một con voi vào bụng và nằm để tiêu hóa con mồi. Đưa cho
mọi người xem ai cũng bảo đó là một chiếc… nón nỉ. Cậu bé tức giận vẽ Bức tranh
số 2 cũng y như bức số 1 nhưng có vẽ thêm hình con voi nằm bên trong bụng con
trăn cho mọi người… sáng mắt ra. Kết quả là cậu được khuyên… thôi đừng vẽ nữa.
Vậy đó, trẻ em bao giờ cũng giàu óc tưởng tượng hơn người lớn… Và chúng thường
bị người lớn đối xử bất công theo kiểu “cả vú lấp miệng em” làm chúng nhiều
khi… tức chịu không nổi.
Từ đó tác giả cứ
đem 2 bức tranh nọ ra như một bài test trắc nghiệm hết thảy những người lớn mà
ông gặp… Ông thất vọng vô cùng… vì nếu chỉ nhìn bức tranh số 1 thì chẳng ai
“nhìn” ra được con voi nọ trong bụng con trăn. Tác giả chán nản không thèm nói
chuyện văn thơ nghệ thuật với những kẻ đó. Và, để “hạ mình xuống cho ngang tầm
với họ” ông chỉ nói chuyện với họ về đánh bài, đánh cầu, uống rượu hay về chính
trị, về áo quần hay trang sức…
Trong đời tôi
sau này và có lẽ bạn nữa cũng vậy, nếu đầu óc bạn cũng đầy tưởng tượng đầy mơ mộng
như tác giả, bạn sẽ nhiều lúc cảm thấy mình “lạc lõng” như thế giữa cái thế
gian này, vốn đầy những kẻ thực dụng, phàm phu tục tử, thô hào, chẳng chút gì
thơ mộng thăng hoa văn nghệ văn gừng…
Vậy nên tác giả
khôn xiết ngạc nhiên khi vẽ cho Hoàng tử bé xem cái bức tranh số 1 vốn có hình
giống như… cái mũ, thì cậu bé liền nhìn ngay ra con voi nằm ẩn tàng sâu kín
trong bụng con trăn nọ. Và khi ông lúng túng không vẽ được một con cừu cho cậu
(ông bỏ “nghề” vẽ đã lâu vì lâu nay phải sống chung với toàn những kẻ phàm phu
thô thiển chẳng thiết gì tới nghệ thuật văn chương) và ông bèn vẽ đại một cái hộp
mà bảo rằng: “Đấy,… con cừu của chú đó” vậy mà Hoàng tử bé lại mừng rỡ kêu lên
đúng rồi con cừu của tôi đó rồi, nó nằm ngoan ngoan trong cái hộp đây mà.
Truyện bắt đầu
ngộ nghĩnh như thế. Từ đó chúng ta chuẩn bị đi vào thế giới ngụ ngôn triết lý
đìu hiu thơ mộng của tác giả, cái thế giới mà người ta không thể chỉ nhìn bằng
mắt mà phải nhìn bằng trí tưởng, bằng trái tim (Hay nói như Mộng Liên đường Chủ
nhân trong bài tựa cho Đoạn trường Tân Thanh là phải nhìn bằng “con mắt trông
suốt cả bốn cõi”).
Truyện đầy rẫy
những ngụ ngôn nho nhỏ, những lời thơ mộng thở than, những ngẫm nghĩ ngậm ngùi
bâng khuâng tơ tưởng, lãng đãng phất phơ… Tác giả cùng ta cười buồn cái kiêu
hãnh ngô nghê của người lớn bằng cái nhìn ngây thơ trung thực của cậu Hoàng tử
bé nhỏ. Cậu có cái nhìn trong suốt như cậu bé trong truyện của Andersen đã phát
hiện ra ông vua cởi truồng trong khi tất cả bọn người lớn, vốn đầy mặc cảm, nên
cứ nghĩ nhà vua đang mặc cái áo thần kỳ…
Chẳng hạn…
Hoàng tử bé găp
một ông vua đơn độc trên một hành tinh nhỏ xíu nọ. Chỉ có một mình không bầy
tôi, không thần dân… Nhưng ông vua vẫn muốn ra cái oai của một đế vương. Ông ra
lệnh cấm ngáp rồi lại ra lệnh ngáp, rồi lại ra lệnh lúc ngáp lúc không… đổi tới
đổi lui để sao cho người ta phải... tuân lệnh mình. Đó là thế giới người lớn kỳ
cục. Truyện tưởng như đùa, nhưng sống lâu năm trên cõi đời này rồi thì bạn sẽ
thấy chuyện đó nhan nhản ở các nhà cầm quyền trên thế giới…
Ông vua muốn
Hoàng tử bé ở lại làm bày tôi của ông nhưng chàng nhất định đi. Rốt cuộc nhà
vua phải vội vàng phong chàng làm đại sứ lưu động để… phù hợp với ý muốn của kẻ
bầy tôi duy nhất này!
Chàng lang thang
trong vũ trụ và gặp toàn những gã người lớn kỳ cục như thế. Gã khoe khoang thì
lúc nào cũng tưởng người ta vỗ tay là để tán tụng gã. Gã nghiện rượu có đủ lý
do để uống rượu. Gã kế toán suốt ngày loay hoay với những con số.
Vậy đó người lớn
là vậy đó.
Bạn muốn giới
thiệu một hành tinh mới được khám phá ư? Bạn phải là một nhà khoa học Tây
phương mới được, chứ nếu bạn là một anh chàng Hồi giáo chẳng hạn thì chẳng ai
tin!!!
Bạn muốn giới thiệu một người bạn mới ư? Bạn phải nói về số cân của anh ta, tuổi
tác, địa vị anh ta, thu nhập của anh ta… chứ đừng nói anh ta thích gì, anh ta
yêu gì…
Bạn muốn giới
thiệu một căn nhà ư? Đừng nói nó xây kiểu gì, có sân có vườn có hoa cỏ, có chim
chóc gì gì… Cứ nói nó trị giá 100 nghìn phật lăng là lập tức người ta xuýt xoa
hít hà…
Người lớn là vậy đó.
Và chú bé cứ phải
lang thang trong cái xứ sở lạ lùng đó, với nỗi nhớ khôn khuây về một đóa hồng
nơi chốn quê nhà mà chàng đã từ bỏ.
Tập truyện là lời
phản kháng của cái thế giới ngây thơ con trẻ mộng mơ lãng mạn chống lại thế giới
người lớn thực dụng, khô khan, tính toán, thô hào, bỉ lậu…
Nó nằm trong
dòng những truyện ca tụng một thế giới lãng mạn trong mơ chống lại cái thế giới
thực dụng mà chúng ta đang sống. Những truyện như “Narzis und Goldmund” (bản dịch
Việt là “Đôi bạn chân tình”) và
“Siddhartha” (“Câu chuyện Dòng Sông”)
(phần nào thôi)) của Hermann Hesse ; hay The Catch in the Rye (Bắt trẻ Đồng Xanh) của
Salinger, hay những truyện của W. Saroyan trong tập “Người có trái tim trên miền cao
nguyên”… Và nhiều truyện khác nữa…
Rải rác lãng đãng trong truyện là những ý tưởng đìu hiu thăm thẳm, bàng bạc thơ
mộng, hắt hiu mà trầm ngâm say đắm…
… Cái quý nhất
nó vô hình…
… Vô hình như
đóa hồng nơi tinh cầu xa xôi mà chàng Hoàng tử giờ chỉ còn ấp ủ trong tâm tưởng…
… Vô hình như
nguồn nước đâu đó trong sa mạc mà người ta cứ mãi mãi đi tìm trong vô vọng…
… Vô hình như
tâm hồn khôn xiết ngây thơ trong sáng, ẩn náu trong thân hình xinh xắn của
chàng Hoàng tử bé con.
… Vô hình như
kho tàng chôn giấu đâu đó trong ngôi nhà cổ.
Hoàng tử nhìn
vào cuộc đời của những con người trên quả đất đìu hiu này… Chàng thấy gì?
… Thấy những người
lớn mệt nhòai trên những chuyến tàu ngược xuôi xuôi ngược khắp thế gian. “Chẳng
bao giờ người ta hài lòng với nơi chốn mình đương ở”, nên họ cứ đi suốt, nhưng
họ không biết mình đi đâu về đâu. Họ ngủ suốt. Chỉ có những đứa trẻ là thức…
chúng dùng hết thời gian để tiêu phí cho một con búp bê rách: Chỉ có chúng là
biết điều chúng tìm kiếm. Và khi con búp bê rách bị cướp đi thì chúng khóc…
Ở ngã tư đường bạn
có thể thấy nhiều
những đôi mắt dửng
dưng như đôi mắt bạn
Ở bến xe nhà ga
hay những nơi công cộng…
Chúng ta thường
không nhìn thấy ai
(thậm chí cũng
không nhìn thấy mình)
Chúng ta dường như đang rất vội đi đâu
rất vội hoàn
thành một công việc gì
vội đến nơi làm
việc vội đến nơi hẹn hò
vội về nhà vội đến
quán bia…
Có lẽ mưa cũng đang vội vàng rơi
vội xuống mặt đường
vội xuống cống rãnh
vội vã ra sông vội
bay lên trời
vội rơi xuống đất…
Đó là thơ của một
nhà thơ Việt Nam là Nguyễn Huyền Thạch (Báo Thời Văn, số 6, 2006) nhà thơ có lẽ
cũng đồng cảm với Hoàng tử bé khi nhìn những người lớn vội vã bôn ba trên những
nẻo đường… không biết đi đâu về đâu hệt như những người lớn nọ gà gật trên những
con tàu vùn vụt qua lại trên quả đất hoang vu này… Bạn đừng quên cái câu mà nhà
thơ bỏ vào trong ngoặc, có vẻ không quan trọng, phải không? Nhưng nó lại quan
trọng nhất đó:
Chúng ta thường
không nhìn thấy ai
(thậm chí cũng
không nhìn thấy mình)
[...]
Con mắt nó mù,
phải tìm kiếm với trái tim!
Trong những ngày
buồn người ta thích ngắm Hoàng hôn. Và trên tinh cầu nhỏ xíu của mình có ngày
Hoàng tử bé đã ngắm 43 buổi hoàng hôn. Và tôi hiểu rằng trong cái ngày đó cậu
đã xiết bao là u sầu…
“Thật huyền bí
khôn xiết là cái xứ sở của lệ vàng”
“Chuyện hệ trọng là chuyện phi cơ hay truyện đóa hoa chứ?
Bác nói thật y như… người lớn!!!”
Cái con người chỉ biết làm toán cộng, không biết hít hương hoa, không biết ngắm
trăng sao, không yêu ai…
Thì có khác gì một
cây nấm!!!
Con chồn nói với
Hoàng tử bé: cái quý nhất ở xứ sở loài người là những con gà mái, (cậu chắc
cũng đi tìm gà?) Còn cái xấu nhất là lũ thợ săn chồn. Xứ sở của cậu không có bọn
thợ săn à?? Thật tuyệt vời!!! Nhưng nó cũng không có gà ư??? Thật trên đời
không có chi là hoàn hảo cả!!!
“Chẳng bao giờ
nên nghe hoa nó nói, chỉ nên ngắm nhìn hoa và hít thở hương hoa…”
“Buồn xiết bao nếu
phải quên một người bạn thiết. Đâu có phải ai ai trong thiên hạ cũng có một người
bạn thiết…”
“Con trẻ phải
nên rất mực độ lượng với những người lớn”
“Nếu có một kẻ
yêu một đóa hoa duy nhất duy chỉ có một mà thôi trong hàng triệu tinh cầu, chừng
ấy đủ để kẻ ấy sung sướng mỗi khi nhìn lên ngàn sao trên bầu trời…”
“Chính cái thời
giờ chú đã tiêu hao mất đi với đóa hồng của chú, chính nó đã làm đóa hồng của
chú trở nên xiết bao hệ trọng đối với chú”
“Nhưng con người
trong xứ sở của bác họ trồng năm ngàn đóa hoa hồng chung trong một thửa vườn…
Và họ chẳng tìm ra cái mà họ tìm kiếm… Ấy thế mà cái họ tìm kiếm có thể tìm ra
trong riêng một đóa hồng hoặc trong một tí nước giọt…”
Vậy đó.
Đã có một chàng
Hoàng tử nhỏ bé ngây thơ lãng mạn lạc bước xuống trần phiêu du lãng đãng giữa
sa mạc cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia, và gặp chàng văn sĩ của chúng ta. Chú
đã đem lại cho văn sĩ cái giấc mơ phiêu bồng của mộng mơ, của nghệ thuật, của hội
họa văn chương mà thế giới đã vô tình hủy hại nơi chàng văn sĩ từ thuở chàng
còn là một em bé. Họ đã gặp nhau trong cuộc ngẫu nhĩ thiên thu. Tình trong giây
phút mà thành thiên thu. Như cuộc tình của Hoàng tử với đóa hồng, cuộc tình
dang dở của ông văn sĩ-phi công với hội họa. Gặp nhau đây, rồi chia tay u uẩn,
bàng bạc lãng quên… Đường trường sông núi hẹn nhau có gặp lại???
Gió xanh cát
vàng trăng tàn đêm lạnh.
Cái giấc mơ của
con người u hoài lãng đãng đã mất đi qua đôi nanh độc của con rắn thâm hiểm trầm
ngâm nọ, đã dụ dỗ chàng quay về với đóa hồng xa thẳm của chàng… bỏ lại chúng ta
trên thế gian sa mạc hoang vắng này.
Cám ơn Saint
Antoine de Exupery nhà văn đã ghi lại cho chúng ta cuộc gặp gỡ thơ mộng trầm
ngâm của một văn sĩ, đại diện cho chúng ta, với chàng Hoàng tử, đại diện cho mộng
đời bất tuyệt, lãng mạn phù du hắt hiu phiêu lãng…
THEO VĂN LONG