03/08/2012 09:53:16 AMNghệ Nhân và Margarita
(Lượt xem: 2829)M.Bulgakov - Bản thảo không bị
cháy (*)
“Nghệ Nhân và Margarita” đã được viết ròng rã
suốt 12 năm, cho đến tận những ngày cuối đời bệnh tật của Mikhail Bulgakov, từng
bị đốt, nhưng cuối cùng, vượt qua tất cả những cuồng bạo kinh khủng của lịch sử,
vẫn đến được với người đọc toàn thế giới.
Từng chương, từng trang sách, đều ẩn chứa
trong đó những hàm ý triết học được “phổ” vào ngay cả những sự kiện xoàng xĩnh,
khôi hài đến thảm hại của một hiện thực rã nát trong thế giới văn nhân. Và toàn
thể tiểu thuyết là một tuyên ngôn nghệ thuật mà cho đến ngày nay, sau 71 năm
ngày mất (1940) của Bulgakov, các nhà nghiên cứu vẫn tiếp tục khám phá không
ngưng nghỉ.
Nghệ Nhân là nhà văn vừa hoàn thành tiểu thuyết,
viết về hai nhân vật Iesua và Ponti Pilat: một là nhà triết học lang thang và một
là quan tổng trấn quyền uy. Iesua đã bị gài bẫy, bị bắt và bị hành hình vì những
rao giảng của mình. Cái chết của Iesua đã trở thành nỗi ám ảnh kéo dài suốt hai
nghìn năm, không để cho Ponti Pilat được yên, bởi quan tổng trấn đã không thể
“cứu” được Iesua khỏi án chết, như ước muốn bí mật chỉ riêng ông biết.
Số phận của Nghệ Nhân cũng không hề may mắn
hơn: tác phẩm của anh bị nguyền rủa và khai tử bởi các đồng nghiệp ngay từ lúc
chưa công bố, dẫn đến việc anh bế tắc, tuyệt vọng, tự đốt bản thảo và tìm đến
nhà thương điên, trốn chạy cả tình yêu định mệnh của Margarita…
Chỉ có quỷ sứ mới cứu nổi nhà văn. Và quả thật
quỷ sứ đã xuất hiện.
Phần lớn số trang của tiểu thuyết đã dành để
mô tả những gì mà chúa quỷ Voland và đoàn tùy tùng đã “quậy tưng” thành phố Moscow lên theo cách nào.
Bằng những phép thuật được sử dụng như thuốc thử, Voland đã buộc giới văn nhân
tự lộn trái mình ra, bộc lộ những phẩm chất tồi tệ: bất tài, dối trá, ăn bám và
hám lợi.
Quả thật, Bulgakov với “Tài năng của nhà văn
trào phúng, tài năng của nhà văn giả tưởng và tài năng của nhà văn hiện thực”
đã nén đến tối đa những vấn nạn văn chương - tư tưởng, nhằm khẳng định khát vọng
của nhà văn. Nó ở trong lời đáp của Voland khi Nghệ Nhân lên tiếng hỏi mình có
nên chạy theo Ponti Pilat không: “Không, chạy theo dấu vết của cái đã kết thúc
để làm gì?… Chẳng lẽ anh không muốn giống như Faust, ngồi bên chiếc bình cổ
cong với niềm hy vọng mình sẽ tạo ra được một giống Homuncul mới?”.
Nếu Nghệ Nhân - nhà văn trong tiểu thuyết khá
mềm yếu và thụ động thì Bulgakov - nhà văn ngoài đời thực hoàn toàn ngược lại.
Mạnh mẽ, quyết liệt, Bulgakov đã gửi một bức thư dài đến chính phủ Liên Xô: “Và
tự tay tôi, tôi đã ném vào lò sưởi một tập bản thảo cuốn tiểu thuyết viết về quỷ
sứ, một tập bản thảo hài kịch và phần đầu cuốn tiểu thuyết thứ hai của tôi - tiểu
thuyết Sân khấu… Tôi xin lưu ý rằng, không được viết đối với tôi cũng có nghĩa
là bị chôn sống… Nếu không được làm đạo diễn, tôi xin làm diễn viên đóng vai phụ.
Nếu làm diễn viên phụ cũng không được, tôi xin làm công nhân sân khấu. Nếu cả
điều đó cũng không thể được, tôi xin chính phủ Xô viết xử trí tôi như chính phủ
thấy cần thiết…”. Bức thư đã được gửi đi vào trước thời điểm mà Maiakovski đã
dùng súng tự bắn vào đầu.
Sự quyết liệt ấy đã thể hiện rất rõ trong tiểu
thuyết, ở những đối thoại giữa giữa Iesua - Pilat. Iesua đã trả lời Pilat, nhắc
lại những gì mà vì nó, nhà triết học phải bước lên đoạn đầu đài: “Tôi nói rằng
ngôi đền của lòng tin cũ sẽ sụp đổ, và ngôi đền mới của chân lý sẽ được dựng
lên… Bất kể thứ quyền lực nào cũng là bạo lực đối với con người, và sẽ đến một
lúc sẽ không còn quyền lực của các hoàng đế lẫn bất kỳ thứ quyền lực nào khác.
Con người sẽ đến được vương quốc của sự thật và công lý, nơi nói chung sẽ không
cần một quyền lực nào cả…”.
Có lẽ sự quyết liệt ấy đã giúp cho “bản thảo
không bị cháy”, cho dù Nghệ Nhân, cho dù chính Bulgakov đã đốt nó.
Ngô Thị Kim Cúc
(*) Đọc Nghệ Nhân và Margarita, tiểu thuyết của Mikhail Bulgakov,
bản dịch của Đoàn Tử Huyến, giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1991, giải thưởng
Sách Hay 2011.