12/06/2012 17:11:50 PMKênh truyền hình nước ngoài tại Việt Nam phải biên dịch tiếng Việt
(Lượt xem: 1973)SGTT.VN - Theo quy chế mới ban hành về quản lý hoạt động truyền hình trả tiền, tất cả các kênh chương trình nước ngoài tại Việt Nam phải được biên tập, biên dịch bảo đảm nội dung không trái với quy định của pháp luật đã khiến nhiều kênh truyền hình nước ngoài lo lắng
Bởi
nếu biên dịch 24/24h thì các hãng này sẽ mất thêm chi phí 1,5-2 triệu
USD/năm.
Biên dịch giúp các kênh tăng doanh thu
Nếu các kênh chương trình nước
ngoài trên truyền hình trả tiền tại Việt Nam phải được biên tập (trừ việc tường
thuật trực tiếp các trận thi đấu thể thao, lễ khai mạc, lễ bế mạc các giải thi
đấu thể thao quy mô khu vực và thế giới) thì Star Sport sẽ phải nghĩ tới việc rời
bỏ thị trường Việt Nam vì chi phí cho việc biên dịch rất lớn. Đó là ý mà đại
diện kênh này chia sẻ tại hội thảo triển khai chính sách quản lý nhà nước về
truyền hình trả tiền, do bộ Thông tin và truyền thông (TT&TT) tổ chức ngày
8.6 tại Hà Nội.
Đại diện của kênh CNBC cũng cho rằng để có được phụ đề 24/24h họ sẽ tiêu tốn
thêm 2 triệu USD/năm, trong khi chưa biết tiềm năng của thị trường Việt Nam
như thế nào.
"Cần thiết có thời gian thử nghiệm dành cho các kênh truyền hình nước
ngoài, để chúng tôi có thể tìm hiểu người sử dụng cũng như các giải pháp chiến
lược trong vòng 2-3 tháng", đại diện một hãng truyền hình đưa ra ý kiến.
Tuy nhiên, theo ông Lưu Vũ Hải (cục trưởng Phát thanh truyền hình – bộ
TT&TT), quy định về biên dịch là quy chế chung, tất cả các kênh truyền hình
nước ngoài tại Việt Nam
đều bị điều chỉnh như vậy. Việc biên dịch theo quy chế quản lý hoạt động truyền
hình trả tiền là trách nhiệm của phía Việt Nam,
do Việt Nam
thực hiện nên các kênh truyền hình nước ngoài không phải lo lắng đến việc
này.
Ngoài quy định biên dịch còn có quy định lược dịch. Miễn là các đài phát thanh
truyền hình phải đảm bảo những thông tin cốt lõi của thông tin đó. Đặc biệt,
ông Hải phân tích, các kênh truyền hình nước ngoài nên tính đến năng lực thực sự
của các đối tác Việt Nam.
Bởi chọn được những đối tác giỏi, sẽ cho một tốc độ biên dịch nhanh nhất cung cấp
tới người xem. Trong khi khả năng tự xem thông tin bằng tiếng Anh của khán giả
Việt Nam
chỉ là vài phần trăm thì việc biên dịch sẽ tăng khả năng tiếp cận người xem,
doanh thu các kênh sẽ từ đó mà tăng lên.
Có ngoại lệ cho kênh nào?
Đại diện của tập đoàn 10 kênh truyền hình (trong đó có HBO, CNN) thắc mắc với
các bộ phim hoạt hình như Tom & Jerry của hãng chủ yếu là hành động, ít lời
thoại, khán giả vẫn hiểu được thì có được ngoại lệ không cần biên dịch hay
không?
Ông Hải cho biết, Việt Nam
khuyến khích các chương trình khoa giáo, giải trí phục vụ thiếu nhi. Vậy nên với
các chương trình như Tom & Jerry, Mr.Bean… có thể lược dịch, nhanh và thuận
tiện, đây cũng là giải pháp dung hoà với các loại kênh này. Với thắc mắc về
chuyện xin cho phép “thử nghiệm”, bộ TT&TT khẳng định sẽ không có ngoại lệ
cho việc “thử nghiệm”, bởi nếu kênh truyền hình nào cũng xin thử nghiệm thì
không thể quản lý được.
Về câu hỏi quy định cấp giấy phép biên tập kênh chương trình nước ngoài trên
truyền hình trả tiền thì một kênh một giấy phép hay được nhiều kênh trên một giấy
phép, theo lãnh đạo bộ TT&TT, nếu một kênh đăng ký cũng sẽ được cấp phép hoặc
nhiều kênh cùng một hãng đăng ký một lần cũng được cấp phép. Ngoài ra, đối với
chính sách quảng cáo sẽ không có phân biệt giữa quảng cáo của kênh trong nước
và kênh nước ngoài. Việt Nam
không cấm quảng cáo của các kênh truyền hình nước ngoài, nhưng việc quảng cáo
và thông tin tin nhắn trên truyền hình trả tiền phải tuân theo các quy định của
pháp luật Việt Nam
về báo chí và quảng cáo. Các đơn vị cung cấp nội dung kênh chương trình truyền
hình trả tiền chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung quảng cáo và tin nhắn
trên kênh chương trình do mình cung cấp.
Từ trước tới nay, khi chưa có quy chế, nhiều kênh như HBO, Star Movies… cũng đã
“tự động” biên dịch. Vậy nên quy chế mới đưa ra việc kênh chương trình nước
ngoài trên truyền hình trả tiền phải được biên dịch cũng không có gì mới. Có thể
với quy chế mới đưa ra, 4/7 kênh truyền hình nước ngoài sẽ rút lui, nhưng thị
trường vẫn còn đó, lợi nhuận từ thị phần cho 3 kênh còn lại càng lớn, các kênh
cần tính tới điều này, đại diện bộ TT&TT nhấn mạnh.
Theo Thanh Tuyền