Chào mừng Quý vị đến với website của Dịch thuật Thủ Đô: Dịch thuật tiếng Anh - Dịch thuật tiếng Pháp - Dịch thuật tiếng Nga - Dịch thuật tiếng Đức - Dịch thuật tiếng Trung

Online support

Call us for best advice

Advice Send email to us 098 855 0877
Projects
  • Dịch các tài liệu hồ sơ kỹ thuật cho Tập đoàn Sojitz
    Toàn bộ các tài liệu kỹ thuật của một số phòng ban tại tập đoàn. Gần đây nhất là bản...
  • Dịch tài liệu đào tạo trong sản xuất cho Công Ty TNHH Panasonic Communications Việt Nam
    Nội dung tài liệu cần dịch là “Lean 6 Sigma”- hệ thống tài liệu phục vụ quản lý chất lượng...
  • Dịch tài liệu cho Công ty TNHH Khu công nghiệp Thăng Long II
    Dịch các báo cáo tài chính, hồ sơ năng lực của hàng loạt các công ty tại Khu công nghiệp...
  • Chuyển ngữ website cho Công ty Cổ phần Tasco
    Toàn bộ nội dung website của Công ty Tasco kèm các báo cáo tài chính, báo cáo tổng kết v.v...
02/07/2012 16:55:38 PM

Vì sao chúng ta dịch sai?

(Views: 1494)

Vấn đề dịch thuật mà tôi đặt ra là tại sao chúng ta lại dịch sai? Và phải chăng những sai sót mà chúng ta gặp phải chỉ là tình cờ hay là nó thuộc về một loại sai sót mang tính hệ thống nào đó?

Và nếu đó là những sai sót mang tính hệ thống thì loại hệ thống nào sẽ dẫn đến những sai sót mà chúng ta có thể loại bỏ dần được bằng một số biện pháp nào đó và loại hệ thống nào thì chúng ta hầu như không thể loại trừ được trừ phi phải dịch lại từ đầu? 

Ở một mức độ nào đó trình tự công bố một bản dịch của một tác phẩm học thuật có lẽ cũng cần được thực hiện tương tự như việc công bố một công trình khoa học. Nó cần trải qua các giai đoạn kiểu như “discussion paper” (“bài viết mang tính trao đổi), “working paper” (“bài viết sắp sửa hoàn thành”) và cuối cùng mới là “published paper” (“bài viết chính thức công bố”). Qui trình này giúp cho người dịch đón nhận được những đóng góp từ bằng hữu và những người quan tâm khác. Và quan trọng hơn, nó giúp người dịch có thời gian tĩnh lặng để xem lại công trình của mình với tư cách như là một độc giả.

Loại 1: Dịch sai mệnh đề Pi. Ta có thể phân chia loại này thành hai trường hợp nhỏ. Trường hợp thứ nhất là khi người dịch hiểu sai nghĩa Mi do hiểu sai một hay một số trong các Ai, Bi, Ci cũng như mối quan hệ (abc)i giữa chúng trong hệ ngôn ngữ L1. Điều này dẫn đến anh ta chọn sai tập hợp các từ Xi, Yi, Zi cũng như mối quan hệ (xyz)i giữa chúng trong hệ ngôn ngữ L2. Trường hợp thứ hai là khi người dịch hiểu đúng nghĩa Mi nhưng vì vốn liếng ngôn ngữ L2 không đủ nên anh ta chọn các từ Xi, Yi, Zi cũng như mối quan hệ (xyz)i giữa chúng không chuẩn xác theo tiêu chuẩn hiện tại của đa số người đọc thuộc hệ ngôn ngữ L2. Loại sai sót thứ hai thường chỉ khiến người đọc hiểu nhầm nhưng nếu người đọc cố gắng hiểu thì vẫn có thể tìm thấy nghĩa Mi trong đó. Loại này thường là rất khó cải thiện vì nó phụ thuộc vào khả năng ngôn ngữ của dịch giả. Nó cũng mang tính cá biệt đối với một số mệnh đề của P[.] thay vì là mang tính hệ thống trên toàn bộ các mệnh đề. Vì lẽ này chúng ta quan tâm ở đây chủ yếu tới sai sót trong trường hợp thứ nhất.

Loại 2: Dịch sai mối quan hệ logic Oj giữa các mệnh đề. Loại dịch sai này chủ yếu là do người dịch không phát hiện ra sự tồn tại của mối quan hệ logic đó.
Đối với các bài viết mang tính tường thuật, mối quan hệ logic giữa các mệnh đề thường tương đối đơn giản và đơn tuyến. Vì thế, người dịch thường ít bị mắc lỗi dịch sai mối quan hệ logic và chỉ bị mắc vào lỗi dịch sai ngữ nghĩa mệnh đề. Không nghi ngờ gì, trong trường hợp này, vốn từ của người dịch cũng như sự chịu khó tra cứu từ điển giúp cho người dịch tránh được những sai sót không cần thiết.  

Nhưng đối với bài viết mang tính học thuật cao mối quan hệ logic giữa các mệnh đề lại thường rất phức tạp. Nó không hiển hiện một cách hiển nhiên để cho bất cứ ai cũng có thể nắm bắt ngay được nó. Nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng này là vì các từ ngữ để chỉ các logic tử trong ngôn ngữ tự nhiên (natural language) thường ẩn chứa ngay bên trong các mệnh đề thay vì được tách biệt rõ ràng như trong ngôn ngữ chuẩn thức (formal language). Điều này khiến cho người đọc, và tất nhiên là cả dịch giả, đôi khi đọc một tác phẩm, mặc dù hiểu hết nghĩa của từng mệnh đề (chẳng hạn tác phẩm được viết bằng tiếng mẹ đẻ), nhưng lại chẳng hiểu tổng thể nội dung tác phẩm là gì cả.  

Đối với công việc dịch thuật các tác phẩm học thuật, khó khăn về việc phát hiện mối quan hệ logic giữa các mệnh đề trong tác phẩm lại thường bị các dịch giả xem nhẹ. Và chính ở đây chúng ta thấy nảy sinh hai paradigm [2] tư duy dịch thuật và hệ quả là các sai sót dịch thuật có tính hệ thống gắn với chúng. Dịch giả theo paradigm thứ nhất, mà tôi gọi là paradigm bám logic, luôn chú trọng việc tìm các từ ngữ chỉ logic tử mà nối kết các mối quan hệ logic giữa các mệnh đề trước khi bắt tay vào dịch. Và bởi vì họ phải xoay hệ thống cấu trúc logic O[.] ở hệ ngôn ngữ L1 sang một hệ thống tương đương O*[.] ở trong hệ ngôn ngữ L2 nên khi dịch mệnh đề Pi họ cũng bắt buộc phải xoay ở một chừng mực nhất định cấu trúc mối quan hệ (abc)i giữa các từ Ai, Bi, Ci trong hệ ngôn ngữ L1 thành cấu trúc mối quan hệ (xyz)*i giữa các các từ X*i, Y*i, Z*i trong hệ ngôn ngữ L2, mà mới thoạt trông khác hẳn (abc)i và các từ Ai, Bi, Ci nếu như anh ta bám chặt vào các từ và cấu trúc ngữ pháp chuẩn tắc trong từ điển L1-L2. (Vì mục đích đối sánh với phần tiếp sau bàn về loại paradigm tư duy dịch thuật khác, tôi dành các ký hiệu Xi, Yi, Zi cũng như cấu trúc câu (xyz)i cho các từ và cấu trúc ngữ pháp tương đối chuẩn tắc trong từ điển. Tất nhiên, người dịch theo paradigm này vẫn thường ưu tiên lựa chọn các từ và cấu trúc ngữ pháp chuẩn tắc đó nhưng họ có phạm vi rộng rãi hơn nhiều. Chính vì lẽ đó, các ký hiệu [.] hay [.*] không hề ảnh hưởng đến lập luận ở đây). Anh ta tiến hành việc này miễn là anh ta đủ tự tin rằng [X*iY*iZ*i] cũng truyền tải được nghĩa Mi như [AiBiCi] trong ngôn ngữ gốc và rằng mệnh đề Pi sau khi được dịch nằm đúng trật tự logic của nó trong O*[.] như anh ta mong muốn. Dịch giả theo paradigm bám logic vì thế sẽ đối xử với tác phẩm dịch như là một công trình học thuật cứ như thể tác giả của các phẩm nguyên gốc trong hệ ngôn ngữ L1 viết lại chính tác phẩm đó trong hệ ngôn ngữ L2 nếu giả dụ như ông ta hiểu biết ngôn ngữ L2 giống như dịch giả. Tất nhiên, các sai lầm xuất phát từ paradigm bám logic có thể sẽ thực sự khủng khiếp nếu như dịch giả chẳng hiểu gì về tác phẩm cả bởi vì khi đó anh ta sẽ dịch sai toàn bộ từ logic cho tới ngữ nghĩa của các mệnh đề. Nhưng đối với một dịch giả có một khả năng tư duy logic nhất định và cố gắng đọc hiểu tổng thể tác phẩm thì sai lầm này hiếm khi xảy ra. Hệ quả là anh ta hầu như tránh được các lỗi liên quan đến mối quan hệ logic, nhưng với cái giá phải trả là anh ta lại hay bị mắc phải các lỗi về ngữ nghĩa của mệnh đề. Chẳng hạn, đối với một lập luận (if A and B, then C) anh ta đáng ra phải dịch là (nếu A và B, thì C) nhưng bởi vì anh ta quan tâm tới mối quan hệ logic tổng thể nên có thể anh ta sẽ bỏ quên một chi tiết nào đó cấu thành nghĩa của B trong quá trình tìm cách đặt B vào đúng vị trí của nó trong hệ thống logic mới chuyển đổi và kết quả anh ta dịch sai thành (nếu A và B’, thì C). Nhưng như tôi sẽ chỉ ra dưới đây, loại lỗi lầm này về cơ bản có thể loại bỏ dần được trong quá trình hoàn thiện bản dịch. Còn điều quan trọng mà tôi muốn nhấn mạnh ở đây là ngay cả khi tồn tại một vài Pi sai nghĩa thì cấu trúc tổng thể của bài luận như là tập các mệnh đề P[.] thông qua hệ thống mối quan hệ logic O*[.] vẫn đem lại cho độc giả một nghĩa xác định về cơ bản gần như tương đương với nghĩa tổng thể của bài luận ở ngôn ngữ gốc. Tựa như người sao chép tranh, mặc dù bản nhái của anh ta thiếu một số các chi tiết so với bức tranh thật, nhưng người xem vẫn có thể cảm nhận được nội dung cũng như vẻ đẹp của tác phẩm gốc thông qua bản nhái đó.  

Dịch giả theo paradigm thứ hai, mà tôi gọi là paradigm bám nghĩa từ, lại luôn chú trọng vào việc làm thế nào để dịch mệnh đề Pimột cách “chuẩn xác” nhất theo nghĩa anh ta thường cố gắng tra cứu và chọn các từ Xi, Yi, Zicũng như cấu trúc câu (xyz)itrong từ điển sao cho Xi tương đương với Ai, Yi tương tương với Bi, Zi tương đương với Ci, và(xyz)itương đương với (abc)i . Anh ta tiến hành công việc này với hy vọng là việc ghép các từ với nghĩa tương đương theo một cấu trúc ngữ pháp tương đương sẽ cho một mệnh đề với nghĩa tương đương giữa hai hệ ngôn ngữ. Nếu như tác phẩm mà anh ta dịch được viết bằng một thứ ngôn ngữ chuẩn thức (loại ngôn ngữ đang được giới ngôn ngữ học phát triển để dùng cho robot) thì, ở một mức độ nhất định, cách tiến hành này sẽ dẫn anh ta tới thành công. Nhưng nếu như tác phẩm mà anh ta dịch lại được viết bằng ngôn ngữ tự nhiên (loại ngôn ngữ mà tất cả mọi người, từ học giả cho tới người bình thường, đều dùng) thì cách làm mà anh ta tưởng là không thể mắc sai lầm lại hầu như chắc chắn dẫn anh ta đến sai lầm. Loại sai lầm này xuất phát từ việc tồn tại những từ ngữ biểu đạt các logic tử trong [AiBiCi] có chức năng nối kết mệnh đề này với một số các mệnh đề khác. Việc anh ta không nhặt những từ ngữ ấy ra và rồi dịch từng từ tương đương một dẫn đến một kết cục là anh ta coi những từ ngữ ấy là một bộ phận cấu thành nghĩa của mệnh đề cần dịch thay vì chúng đơn thuần chỉ là các logic tử. Điều này khiến cho không những mệnh đề mà anh ta muốn dịch trở nên sai mà còn khiến cho nó bị mất kết nối logic với các mệnh đề xung quanh khác. Kết quả chung cuộc là anh ta tạo ra một bức tranh không những chỉ chứa đựng vô số những mệnh đề sai nghĩa mà lại còn chẳng chuyển tải được bất kỳ một nghĩa tổng thể nào cả. Chẳng khác gì người sao chép tranh, anh ta vừa nhái lại bức tranh gốc vừa vẽ ngang vẽ dọc lên bản nhái, khiến cho người xem bản nhái chỉ có thể nhìn thấy những vết ngang dọc chứ chẳng thể nào cảm nhận được nội dung cũng như vẻ đẹp của bức tranh thật thông qua bức tranh nhái đó.  

Điều nguy hiểm của việc dịch thuật theo paradigm bám nghĩa từ là dịch giả hầu như tin rằng mình chắc không thể mắc sai lầm, bởi lẽ tất cả các từ cũng như các cấu trúc nối kết chúng trong các mệnh đề anh ta đều đã tra từ điển hết sức cần mẫn và cẩn thận. Khi anh ta đưa bản dịch cho ai đó hiệu đính thì người hiệu đính, dù rằng ngay khi đọc bản dịch anh này gần như có thể phát hiện ra những bất ổn trong bản dịch do sự tối tăm về lập luận và ngữ nghĩa trong đó, anh ta lại vẫn không thể xác định được lỗi sai là từ đâu. Và khi người hiệu đính so sánh bản dịch với văn bản gốc, anh ta có thể xác định được các sai lầm đó là gì thì anh ta lại chịu không thể hiệu đính được bởi vì nếu hiệu đính anh ta không còn cách gì khác hơn là phải dịch lại toàn bộ. Đối với bản thân dịch giả, khi anh ta đọc lại bản dịch, mặc dù anh ta cũng có thể cảm thấy rất “khó tiêu hoá”, nhưng anh ta lại không biết sửa thế nào, vì rằng dù có tra lại từ điển thêm hàng trăm lần nữa thì anh ta vẫn thấy rằng những từ và cấu trúc nối kết các từ mà mình đã chọn là “cực chuẩn” rồi. Kết quả là anh ta vẫn giữ nguyên như vậy, và những sai lầm trong bản dịch của anh ta sẽ không có cách nào loại trừ được; nó sẽ không có được cơ hội để thoát khỏi cảnh một bản dịch “không thoả đáng”.  
Trong khi ngược lại, dịch giả theo paradigm bám logic thường ý thức được rằng: khi bám theo logic của các mệnh đề, anh ta rất khó có thể không mắc một số sai lầm nào đó trong quá trình chuyển tải nghĩa của từng mệnh đề. Ngay cả khi anh ta cẩn trọng nhất và áp dụng một số thủ thuật, chẳng hạn như đánh dấu những chỗ anh ta cảm thấy không chắc chắn lắm, thì sai lầm từ việc xoay chuyển cấu trúc mệnh đề cũng như trình tự các mệnh đề là một điều thường trực khó tránh khỏi. Nhưng điều quan trọng hơn là anh ta cũng biết luôn được rằng các lỗi đó là có khả năng truy tìm được, khoanh vùng được, và sau đó thì có thể sửa được chính ở những chỗ sai đó thay vì phải sửa lại toàn bộ. Anh ta biết được điều đó là bởi vì anh ta hiểu rằng logic và ngữ nghĩa (meaning) là một cái gì đó phổ quát cho mọi ngôn ngữ – nếu không thế thì chúng ta chẳng thể nào tiến hành dịch thuật được. Vì thế, nếu như bản gốc là một tác phẩm được trình bày một cách chặt chẽ về mặt logic và mang một nghĩa tổng thể xác định nào đó thì không có lý do gì anh ta lại không thể tái dựng lại được cái hệ thống logic và nghĩa tổng thể đó trong hệ ngôn ngữ của mình. Khi tiến hành dịch thuật theo cách này, anh ta sẽ có một bản dịch mà người hiệu đính hay bản thân anh ta khi đọc lại có thể xác định được các lỗi một cách dễ dàng, chẳng hạn một phần nào đó có lập luận không chặt chẽ, một mệnh đề nào đó mang nghĩa không ăn khớp với một mệnh đề khác, v.v. và người hiệu đính cũng như anh ta sau đó có thể khoanh vùng đó lại và xem xét nó một cách cẩn thận hơn thông qua việc đối chiếu lại với bản gốc (tất nhiên, với sự trợ giúp của các loại từ điển và sách ngữ pháp). Qui trình này sẽ giúp cho bản dịch của anh ta từ chỗ “không thoả đáng” có cơ hội loại bỏ dần được các sai lầm và vì thế trở nên ngày càng “thoả đáng”.  

Có lẽ trước khi kết thúc bài viết này, tôi nên nói thêm một chút về ý nghĩa của việc tiến hành dịch thuật theo paradigm bám logic đối với sự phát triển khả năng dịch thuật (và có lẽ cả khả năng viết lách nói chung nữa). Khi một người quyết định dịch theo paradigm bám logic, anh ta (hoặc nhờ một người khác có kinh nghiệm hơn) có thể kiểm nghiệm được là mình bị yếu ở khâu nào, khâu tiếng nước ngoài, tiếng mẹ đẻ, hay tư duy logic, thông qua việc xem xét các loại lỗi mà anh ta thường mắc phải. Nếu anh ta, giả sử đã tốt tiếng mẹ đẻ nhưng hay mắc phải các lỗi dịch sai một số loại mệnh đề nào đó, thì điều này chứng tỏ anh ta còn yếu về tiếng nước ngoài liên quan đến loại mệnh đề đó; nếu anh ta, giả sử đã có những vốn liếng nhất định về ngoại ngữ nhưng lại hay mắc phải các lỗi không làm rõ nghĩa được các mệnh đề, thì chứng tỏ tiếng mẹ đẻ của anh ta còn yếu; còn nếu anh ta, giả sử đã tốt cả hai nhưng khi dịch lại hay mắc phải các lỗi lập luận, thì chứng tỏ tư duy logic của anh ta chưa được tốt. Căn cứ vào đó dịch giả có thể tự trau giồi cũng như tìm kiếm sự giúp đỡ của người khác đối với các vấn đề mà mình hay mắc sai sót. Cuối cùng, tôi muốn nói rằng, khả năng cho phép kiểm soát và giảm thiểu được sai sót và nâng cao được năng lực dịch thuật cũng như viết lách mà paradigm tư duy dịch thuật này mang lại cho dịch giả cũng chính là những công năng của loại công cụ mà con người mong muốn đi tìm kiếm để giải quyết các vấn đề xuất phát từ sự xét đoán trí tuệ của con người (thứ vốn luôn chứa đựng những yếu tố sai lầm do sự hạn chế có tính bản thể của trí tuệ con người). Chúng tựa như của nền kinh tế thị trường, nền chính trị dân chủ, hay nền học thuật dựa trên phê phán, nơi thừa nhận và chấp nhận sự tồn tại của những con người thường trực mắc sai lầm, nhưng đồng thời lại có cơ chế để chính những người đó và những người xung quanh hiệu chỉnh những sai lầm vừa bị người đó tạo ra, và cứ như thế bức tranh về cái xã hội tổng thể ngày càng trở nên hoàn thiện hơn.
  
Customers
  • kh1
  • kh2
  • kh3
  • kh4
  • kh5
  • kh6
  • kh7
  • kh8
  • kh9